Massage tai trị sái cổ

Ngày đăng 19/06/2020 18:44

Tình trạng sái cổ diễn ra khi gân cơ phần cổ bị tổn thương do tai nạn, sinh hoạt không đúng cách hay bị trúng gió. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng sái cổ là ngủ không đúng tư thế. Việc gối đầu quá cao hay quá thấp cũng sẽ làm cho một bên cơ cổ bị duỗi quá độ và gây ra tình trạng gân mạch co quắp, dẫn đến sái cổ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị sái cổ khi phong hàn tà xâm nhập vào sau cổ, gây ra tình trạng khí huyết ngưng trệ, rối loạn thần khí cục bộ và làm tổn thương vùng cổ. 

Về cơ bản, sái cổ không nguy hiểm đến sức khỏe con người và có thể tự khỏi khi vùng cổ phục hồi chấn thương. Nhưng nếu không chữa trị sớm thì tình trạng sái cổ sẽ khiến chúng ta luôn cảm thấy khó chịu và đau nhức ở phần cổ trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc và các sinh hoạt hàng ngày. Do đó, bạn nên chữa sái cổ ngay lập tức và cách chữa thực tế cũng rất đơn giản và đa dạng.

Hiện nay, những cách chữa sái cổ phổ biến là châm cứu, xoa bóp hay bấm huyệt với các loại dầu, cao, dùng cao dán… Nhưng có một phương pháp đặc biệt hơn cả mà ít người dùng tới dù hiệu quả rất cao, đó là massage tai.

Các thầy thuốc Đông y khẳng định, việc massage vùng tai có thể làm thông kinh hoạt lạc, tăng cường lưu thông máu, giúp cơ bắp thư giãn và chữa trị tình trạng căng cơ ở vùng cổ. 

Massage tai trị sái cổ

Đầu tiên, bạn hãy dùng tay để massage bấm huyệt vùng tiếp giáp giữa đầu và tai. Đây là điểm đối ứng với cột sống và phần sau lưng nên việc xoa bóp khu vực này sẽ có tác dụng hỗ trợ phần cột sống từ cổ xuống hết thắt lưng. Việc xoa bóp phần đáy tai cũng đồng thời giúp điều chỉnh cả khí huyết trong toàn cơ thể.

Bạn có thể dùng hai ngón tay trỏ hoặc tay giữ để lùa vào phần kẽ chân tai và xoa lên xoa xuống nhẹ nhàng theo đường tiếp giáp với đầu liên tục khoảng 100 lần. Sau đó, bạn hãy chuyển sang xoa vuốt cả vùng tai để tăng cường khí huyết lưu thông cho toàn cơ thể. Bạn có thể dùng cả bàn tay hoặc 3 ngón trỏ, giữa và áp út để xoa vuốt cả vùng phía trước tai và phía sau tai, mỗi khu vực nên xoa vuốt khoảng 50 – 70 lần.

Cách xoa vuốt tai để chữa sái cổ có thể thực hiện nhiều lần trong ngày cho đến khi tình trạng sái cổ được cải thiện, tối thiểu nên thực hiện 3 lần.

Trong Đông y, ngoài cách massage tai để chữa sái cổ thì các thầy thuốc còn áp dụng một số mẹo chữa bệnh khác cũng rất hiệu quả là bấm huyệt. Trong đó, các huyệt cần bấm là Giáp Tích, Phong Trì, Phong Phủ, Kiên Tỉnh, Đại Chùy hay Thiên Tông. Vị trí các huyệt cụ thể như sau: Huyệt Giáp Tích nằm ở sau gáy, từ các đốt xương sống cổ sang ngang khoảng khoảng 1 thốn, chiều dài mỗi thốn bằng đốt giữa của ngón tay giữa. Huyệt Phong Trì nằm ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

Huyệt Phong Phủ nằm thẳng phía dưới ụ chẩm, ở đường giữa và chỗ lõm phía trên chân tóc 1 thốn. Huyệt Đại Chuỳ nằm ở điểm giữa đốt sống cổ thứ 7 và mỏm gai đốt sống lưng số 1. Huyệt Kiên tỉnh nằm ở điểm giữa đường nối huyệt Đại Chùy với mỏm cùng vai, tại điểm cao nhất của vai. Trong khi đó, huyệt Thiên Tông nằm ở giữa hố dưới xương bả vai. 

Ngoài 2 liệu pháp này thì bạn cũng phải chú ý điều chỉnh tư thế ngủ để phòng tránh tái phát tình trạng sái cổ. Bạn cần chọn gối ngủ phù hợp, không quá cao và cũng không quá thấp.